Viên nén gỗ – Thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt

Dự báo thị trường viên nén gỗ toàn cầu sẽ đạt 15,63 tỷ USD vào năm 2026. Việt Nam hiện là nhà cung cấp viên nén thứ hai thế giới. Với những thế mạnh đang có và nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm này, các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm hướng đi phát triển trong thị trường này.
Thị trường còn nhiều dư địa  
Với hiện trạng các nguồn nhiên liệu như than, xăng, dầu… đang ngày càng cạn kiệt, nhu cầu tìm kiếm các nguyên vật liệu thay thế trở nên cấp bách ở bất cứ quốc gia nào. Trong đó, viên nén gỗ được xem là một vật liệu thay thế có nhiều ưu điểm là nguyên liệu sẵn có, dồi dào và chi phí rẻ. Đặc biệt, với những tiến bộ khoa học trong sản xuất viên nén gỗ nâng cấp nhiệt, khiến nó trở thành một giải pháp thay thế rất khả quan cho nhiên liệu than đá truyền thống trong sản xuất năng lượng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), đa số các quốc gia đã cam kết cắt giảm, thậm chí đưa lượng phát thải khí nhà kính về “0”. Để làm được điều này, phát triển kinh tế năng lượng carbon thấp là hướng đi bắt buộc.
Các thị trường châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và châu Âu hiện đang có nhu cầu tăng cao đối với viên nén gỗ trong sản xuất năng lượng sạch. Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, nơi có số lượng nhà máy điện than nhiều nhất thế giới, được dự báo thị trường phát triển nhanh trong thời gian tới và là cơ hội cho các nhà sản xuất viên nén gỗ Việt Nam. Hiệp hội Năng lượng sinh học thế giới dự báo thị trường viên nén gỗ toàn cầu dự kiến ​​đạt 15,63 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm là 7,28% trong giai đoạn 2021-2026.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, viên nén nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ. Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ hai thế giới.
Trong vòng bảy năm qua, lượng sản xuất, xuất khẩu và giá trị thành phẩm của viên nén gỗ ngày càng tăng lên. Cụ thể, lượng viên nén xuất khẩu tăng trên 18,28 lần, từ 175 nghìn tấn năm 2013 lên khoảng 3,2 triệu tấn năm 2020. Giá trị xuất khẩu viên nén tăng 15,3 lần, từ gần 23 triệu USD năm 2013, lên 351 triệu USD năm 2020.
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai thị trường xuất khẩu viên nén chính của Việt Nam, chiếm 99,8% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021. Nhu cầu đến đặc biệt cao sau các đợt thiên tai như động đất và sóng thần, để phát triển điện sinh học.
Năm 2021, Hàn Quốc nhập 1,96 triệu tấn viên nén từ Việt Nam, tương đương 212,04 triệu USD, giảm 0,9% về lượng nhưng tăng 9,6% về giá trị so với năm 2020. Nhật Bản nhập 1,53 triệu tấn trong năm 2021, tương đương 200,11 triệu USD, tăng 26,1% về lượng và 27% về giá trị so với năm 2020.
Riêng tại Nhật Bản, viên nén dự kiến sẽ đáp ứng 38% tổng nhu cầu năng lượng vào năm 2030. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết lượng viên nén xuất khẩu sang thị trường này có thể mở rộng gấp 3 lần cho tới năm 2024 – 2025 so với hiện nay.