Hiện nay, các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam đã được xuất khẩu đến nhiều thị trường quốc tế, trong đó có viên nén được sản xuất từ các phụ phẩm gỗ. Ðây là mặt hàng được nhiều quốc gia phát triển chọn lựa nhằm thay thế những nhiên liệu gây ảnh hưởng môi trường.
Sản xuất viên nén gỗ |
Tiềm năng của ngành này còn rất lớn đòi hỏi các nhà sản xuất trong nước đẩy mạnh chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để chiếm lĩnh lợi thế cạnh tranh…
Viên nén gỗ là loại sản phẩm được làm từ vụn gỗ, dăm gỗ và các loại cành lá cây, phụ phẩm bỏ đi từ những công đoạn khác nhau trong sản xuất, chế biến gỗ. Theo các chuyên gia của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), những nhà nhập khẩu nước ngoài nhập viên nén gỗ về làm nhiên liệu chất đốt sinh học, chất hút ẩm chuồng trại và phân bón cho các loại cây vì nguyên liệu làm từ 100% chất hữu cơ.
Tiềm năng lớn
Với ý nghĩa bảo vệ môi trường và tái sử dụng các nguồn nguyên liệu thừa tạo nên nhiên liệu mới có ích cho nên thị trường viên nén đang ngày càng được mở rộng, nhất là tại các nước phát triển thuộc EU và Hàn Quốc, Nhật Bản. Hiện nay, sản phẩm viên nén gỗ cũng đang được áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế như: Chứng nhận Quản lý rừng bền vững (FSC-FM), Chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (FSC-CoC), Chứng nhận gỗ có kiểm soát (FSC-CW) để doanh nghiệp kiểm soát nguồn nguyên liệu của mình thông qua hoạt động đánh giá rủi ro vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ðây cũng là những tiêu chuẩn mà các nhà nhập khẩu đang yêu cầu các doanh nghiệp gỗ Việt Nam áp dụng.
Thực tế, theo đánh giá của các nhà quản lý, phụ phẩm từ gỗ để sản xuất các dạng viên nén đủ tiêu chuẩn xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước hiện rất lớn. Một trong những điểm mạnh trực tiếp góp phần vào sự hình thành và phát triển của ngành sản xuất viên nén gỗ Việt Nam là do nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, được tạo ra từ gỗ phụ phẩm của ngành chế biến gỗ. Nguồn gỗ đầu vào để làm mặt hàng này bao gồm mùn cưa, dăm bào, cành đầu mẩu, cành ngọn gỗ rừng trồng có đường kính nhỏ. Mặt khác, cơ sở chế biến viên nén không đòi hỏi đầu tư về công nghệ quản lý lớn và phức tạp, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào khâu sản xuất. Việt Nam có lợi thế về địa lý với các nguồn nguyên liệu cho sản xuất viên nén nằm gần các cảng biển xuất khẩu, thuận tiện cho việc vận chuyển. Ðây là những thuận lợi cơ bản để ngành sản xuất viên nén gỗ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Còn tại thị trường thế giới, viên nén gỗ được sử dụng rộng rãi trong cả đời sống hằng ngày lẫn trong các ngành sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn nguyên liệu tái sinh hữu cơ đã góp phần bảo vệ môi trường và không gây nguy hiểm tới sức khỏe của người sử dụng. Do vậy, dư địa xuất khẩu các sản phẩm viên nén gỗ hiện được coi là còn tiềm năng lớn.
Nâng cao giá trị xuất khẩu
Ðến nay, viên nén gỗ đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Thời gian gần đây, sản lượng xuất khẩu mỗi năm đạt khoảng 3 triệu tấn, tương đương 350 triệu USD về kim ngạch. Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là hai thị trường nhập khẩu quan trọng, chiếm hơn 90% lượng viên nén gỗ xuất khẩu hằng năm của các doanh nghiệp… Thị trường Hàn Quốc có quy mô lớn hơn so với thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, mức độ ổn định tại thị trường Nhật Bản lại cao hơn giá xuất sang Hàn Quốc khoảng từ 20 USD đến 30 USD/tấn.
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu, hiện tại giá xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc thấp là bởi thị trường này áp dụng cơ chế đấu giá khi mua sản phẩm. Trong khi cơ chế thu mua tại thị trường Nhật Bản không tuân theo hình thức đấu giá mà phụ thuộc trực tiếp vào thỏa thuận giữa người mua và người bán. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cả nước có khoảng 80 nhà máy sản xuất viên nén gỗ. Tuy nhiên, thông tin điều tra của các chuyên gia tổ chức Forest Trends cho thấy, số doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất và xuất khẩu viên nén có thể lớn hơn nhiều. Vùng Ðông Nam Bộ, trung tâm của các cơ sở chế biến gỗ là nơi có nhiều cơ sở sản xuất viên nén nhất cả nước. Lý do các cơ sở sản xuất viên nén tập trung nhiều tại khu vực này là bởi nguồn gỗ phụ phẩm từ các cơ sở chế biến gỗ được đưa vào làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất viên nén dồi dào. Ngành sản xuất viên nén gỗ hiện còn dư địa để phát triển bền vững. Ðó là, nhu cầu tiêu thụ viên nén tại các nước nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, lượng viên nén tại thị trường này sẽ có thể tăng gấp ba lần trong những năm tới. Nếu năng lực sản xuất của Việt Nam được giữ nguyên ở mức hiện tại, cung cầu mặt hàng này sẽ cân bằng trong 2-3 năm tới. Thêm vào đó, ngành sản xuất viên nén có tiềm năng trong việc nâng cao tỷ trọng sản phẩm có chứng chỉ FSC, điều này có thể đạt được thông qua hình thức hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các hộ trồng rừng để tạo nguồn gỗ chứng chỉ.
TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends cho biết, dù có tiềm năng lớn nhưng ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén gỗ hiện đang tồn tại một số mặt hạn chế. Ðó là, đầu vào nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ cả về chất lượng và cơ sở pháp lý. Một số cơ sở chế biến sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) còn ít, trong khi đòi hỏi của thị trường xuất khẩu về mặt hàng có chứng chỉ ngày càng tăng. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào, tạo sự liên kết thông qua tổ chức đại diện và vươn lên của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại, để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ… đang là những đòi hỏi cấp thiết hiện nay đối với các doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu…