Nếu giải quyết được bài toán công nghệ, tiềm năng từ mặt của những phụ phẩm tỷ đô của Việt Nam sẽ được khơi dậy.
Mỗi năm Việt Nam có hơn 160 triệu tấn phụ phẩm được tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Với nhiều nước trên thế giới đây là nguồn tài nguyên, là đầu vào quan trọng cho nhiều lĩnh vực, tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn, bền vững.
Nhưng tại Việt Nam, phải đến khi xuất khẩu viên nén gỗ 10 tháng qua mang về xấp xỉ 700 triệu USD nhiều người mới nhận ra rằng chúng ta đã lãng phí hàng tỷ USD/năm. Nếu giải quyết được bài toán công nghệ, tiềm năng từ mặt của những phụ phẩm tỷ đô sẽ được khơi dậy.
Viên nén gỗ là sản phẩm được làm hoàn toàn từ phụ phẩm lâm nghiệp đó là vỏ, lá cây, cành ngọn nhỏ, đầu mẩu gỗ vụn… Nguồn phế – phụ phẩm này có từ hệ thống các xưởng xẻ, xưởng ván bóc, xưởng dăm… Hiện cả nước có khoảng 300 cơ sở sản xuất viên nén. 100% xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và tới đây là châu Âu.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, viên nén gỗ có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Hệ thống máy nén rơm thành khối hiện đại.
Còn tại ĐBSCL, với sản lượng lúa mỗi năm là 40 triệu tấn cũng có nghĩa một lượng rất lớn rơm rạ được thải ra. Những năm gần đây rơm đã là rơm vàng. Rơm để trồng nấm, rơm cho bò ăn, rơm phủ gốc, rơm cũng là năng lượng thay than… Từ đây nhiều nông dân đã đầu tư máy cuốn rơm.
Ở quy mô chuyên nghiệp hơn, trang bị kho chứa, với hệ thống máy nén rơm thành khối hiện đại. Mùa mưa kho vẫn trữ sẵn 4.000 tấn rơm phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Viên nén từ rơm, viên nén từ vỏ trấu là những năng lượng của tương lai. Còn lúc này vỏ hạt điều đã không còn là rác phải đốt bỏ, mà còn có thể ép lấy dầu. Dầu vỏ điều làm chất đốt công nghiệp với giá thành rẻ hơn khoảng 60% so với dầu FO.
Hiện 1 tấn vỏ hạt điều khô có thể sản xuất được khoảng 154 kg dầu. Do không phải cạnh tranh với nước nào nên Việt Nam có thể thu 300 – 400 triệu USD/năm từ vỏ hạt điều.