Chỉ từ mùn cưa, mẩu gỗ làm thành thứ viên nén giàu nhiệt lượng, Việt Nam bán gần hết cho Nhật Bản, Hàn Quốc

Chỉ từ cành, ngọn, rác, bìa bắp, mùn cưa, đầu mẩu gỗ, vỏ cây từ nguồn gỗ rừng trồng, các doanh nghiệp tái chế thành thứ viên nén có nhiệt lượng cao, được Nhật Bản, Hàn Quốc, EU ưa chuộng, đơn hàng mua viên nén từ Việt Nam liên tục tăng.

Xuất khẩu viên nén tăng trưởng 2 con số

Viên nén là một trong những mặt hàng có tốc động tăng trưởng mạnh nhất trong thời gian gần đây và sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai.

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD.

Trong 9 tháng đầu 2022 xuất khẩu mặt hàng này cán mốc 3,5 triệu tấn, đạt 542,32 triệu USD chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tăng 35% về lượng và 81% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Viên nén từ Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đáng chú ý, nguyên liệu làm thành viên nén chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ, bao gồm cành, ngọn, rác, bìa bắp, mùn cưa, đầu mẩu gỗ, vỏ cây từ nguồn gỗ rừng trồng. Hiện nguyên liệu đầu vào của viên nén cạnh tranh với nguồn nguyên liệu đầu vào của dăm và ván MDF.

Gia tăng sản xuất mặt hàng này sẽ giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ tạo ra, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, tạo giá trị gia tăng quan trọng cho kim ngạch xuất khẩu.

Chỉ từ mùn cưa, mẩu gỗ làm thành thứ viên nén giàu nhiệt lượng, Việt Nam bán gần hết cho Nhật Bản, Hàn Quốc - Ảnh 1.

Viên nén là một trong những mặt hàng có tốc động tăng trưởng mạnh nhất trong thời gian gần đây và sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai. Ảnh: Cao Cẩm.

Nhu cầu viên nén ngày càng tăng

Tại COP 26, Chính phủ các nước đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm cả việc thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học như viên nén trong tương lai. Điều này dẫn đến cầu viên nén ngày càng tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraina buộc các quốc gia khối EU phải tìm nguồn cung nguyên liệu thay thế cho nguồn khí đốt từ Nga. Điều này đẩy mạnh nhu cầu về việc sử dụng viên nén tại khu vực này.

“Viên nén của Việt Nam có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong tương lai. Tại thị trường nội địa cho năng lượng tái tạo, viên nén cũng trở thành một mặt hàng quan trọng giúp ngành gỗ đi đầu góp phần thực hiện mục tiêu COP 26 của Việt Nam”, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định.